3 cấp độ mệt mỏi do di chứng Covid
Hậu Covid-19, người bệnh có thể thường mang di chứng covid như mệt mỏi, tăng nhịp thở, nói chuyện hụt hơi, hoặc không thể nói chuyện, nặng hơn là không thể hoạt động vì mệt.
Theo hướng dẫn của các bác sĩ Bộ môn Kỹ thuật Phục hồi chức năng, Đại học Y Dược TP HCM trong “Sổ tay phục hồi sau Covid-19“, tình trạng mệt mỏi có những mức độ khác nhau tùy vào tình trạng của mỗi cá nhân, mức độ hoạt động thể chất.
Có thể đánh giá mức độ mệt theo các cấp độ. Nếu không cảm thấy khó chịu khi hoạt động, tức bạn không mệt. Nếu tăng nhịp thở khi nói chuyện, hụt hơi, bạn đang ở mức mệt nhẹ. Tăng nhịp thở không thể nói chuyện – mức mệt nặng. Nếu không thể hoạt động vì cảm thấy mệt mỏi, tức là đang ở mức mệt trầm trọng.
Để giảm mệt mỏi, bảo toàn năng lượng, người bệnh nên chia nhỏ các hoạt động để làm, kết hợp làm việc với nghỉ ngơi để ngăn mệt mỏi. Theo dõi ước tính khoảng thời gian xuất hiện mệt mỏi để dừng làm việc trước khi triệu chứng mệt mỏi xuất hiện. Xác định tốc độ làm việc phù hợp, từ từ, không quá vội, xác định cấp độ quan trọng của công việc nếu cấp thiết thì nhờ giúp đỡ, chưa vội thì lên kế hoạch thực hiện.
Tránh các tư thế gây gắng sức như cúi người nâng vật nặng. Nên ngồi để làm việc thay vì đứng, sắp xếp đồ vật ngang tầm với, sắp xếp chỗ nghỉ ngơi thông thoáng, yên tĩnh.
Người bệnh cũng nên theo dõi nhịp tim trong sinh hoạt hàng ngày. Nhịp tim nên duy trì dưới các mức tương ứng với tuổi. Nếu bạn là nữ 57 tuổi, thì nhịp tim trong sinh hoạt hàng ngày nên ở mức 93 hoặc 94.