3 dấu hiệu nhận biết sớm đột qụy
Theo bác sĩ, bệnh nhân đột qụy cần được cấp cứu, điều trị sớm nhất có thể. Do vậy, việc nhận biết được dấu hiện đột quỵ tại nhà rất cần thiết, giúp nhanh chóng đưa bệnh nhân đột qụy nhập viện.
Theo PGS.TS Phạm Đình Đài, Chủ nhiệm Khoa Đột quỵ, Bệnh viện Quân y 103, nếu một trong ba triệu chứng liệt chi, liệt mặt và liệt vận ngôn xảy ra đột ngột, người dân phải nghĩ ngay tới bệnh đột quỵ.
Liệt chi là liệt tay chân một bên. Có thể đánh giá bằng cách đề nghị bệnh nhân giơ 2 tay về phía trước, tay bên yếu sẽ giơ lên chậm hơn và xệ xuống thấp hơn bên lành. Một số trường hợp liệt nặng, một tay không thể giơ lên.
Khoa Đột quỵ, Bệnh viện Quân y 103 đánh giá tình trạng liệt chi cho 1 bệnh nhân – Ảnh: N.Liên |
Liệt mặt: yêu cầu bệnh nhân nhe răng để đánh giá xem có cân xứng không. Với bệnh nhân đột quỵ, khóe mép sẽ bị kéo lệch về một bên.
Liệt vận ngôn tức là rối loạn ngôn ngữ vận động. Bệnh nhân sẽ nói khó, tiếng nói thay đổi (nói ngọng), khó khăn trong việc phát âm.
PGS Đài khuyến cáo, không cần chờ đủ cả ba dấu hiệu, khi xuất hiện đột ngột một trong ba triệu chứng trên, gia đình cần đưa bệnh nhân tới bệnh viện càng nhanh càng tốt. “Đột quỵ não đòi hỏi ứng xử cấp cứu, kể cả đột quỵ nhẹ. Mọi bệnh nhân cần được khẩn trương đưa vào bệnh viện càng sớm càng tốt không phân biệt ngày đêm, lễ Tết”, PGS nói.
Về dự phòng đột quỵ, theo Chủ nhiệm Khoa Đột quỵ, Bệnh viện Quân y 103, cơ bản dự phòng đột quỵ được chia ra 2 cấp độ. Dự phòng cấp 1 áp dụng cho toàn cộng đồng, tức những người chưa bị đột quỵ, gồm các biện pháp như sau:
Điều chỉnh lối sống vệ sinh khoa học; ăn uống, dinh dưỡng hợp lý. Hạn chế không ăn quá nhiều các đồ ngọt, đồ ăn sẵn, các chất có nhiều mỡ động vật. Không hút thuốc, tránh uống nhiều bia rượu.
Có chế độ tập luyện, vận động hiệu quả. Người trẻ nên thường xuyên tập luyện, tham gia hoạt động thể dục thể thao, người già có thể vận động nhẹ nhàng. Theo khuyến cáo của Hội đột quỵ Mỹ, việc tập luyện, vận động tối thiểu 5 ngày trên 1 tuần và mỗi ngày 30 phút sẽ có tác dụng dự phòng đột quỵ.
Với những bệnh nhân đã có yếu tố nguy cơ (như tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, rối loạn đường huyết, đường máu, béo phì (đặc biệt là béo bụng),…), cần kiểm soát các yếu tố này thật tốt, khám định kỳ để xử lý, kiểm soát hiệu quả.
Dự phòng cấp 2 áp dụng với các bệnh nhân đã từng bị đột quỵ. PGS Đài nhấn mạnh, với bệnh nhân đột qụy, nguy cơ có lần đột quỵ tiếp theo tăng lên rất nhiều lần. Do vậy, về mặt nguyên tắc, tất cả bệnh nhân phải áp dụng chế độ dự phòng cấp 2 suốt đời.
Cụ thể, ngoài áp dụng các biện pháp dự phòng cấp 1, bệnh nhân phải dự phòng chặt chẽ hơn, đồng thời sử dụng thuốc để kiểm soát, hạn chế nguy cơ đột quỵ. Một số trường cần áp dụng các biện pháp đặc biệt để loại trừ nguyên nhân gây đột quỵ, Ví dụ, đặt stent động mạch bị chít hẹp do vữa xơ, phẫu thuật bóc mảng vữa xơ…
THEO VIETNAMNET