Bạc hà – Tác dụng dược lý và bài thuốc

Bạc hà (Herba Menthae)

Bạc hà dùng làm thuốc được ghi đầu tin trong sách Dược tính bản thảo. Bộ phận làm thuốc là cành lá của cây Bạc hà thuộc họ Hoa môi Lamiaceae (Labiatae). Cây bạc hà mọc hoang và được trồng nhiều nơi ở nước ta.

Tác dụng dược lý

  1. Theo Y học cổ truyền:

Sơ tán phong huyệt, thanh lợi đầu mắt, lợi yết thấu chẩn, sơ giải can uất, trừ uế khí. Chu trị các chứng ngoại cảm phong nhiệt, đau đầu mắt đỏ do phong nhiệt, yết hầu sưng đau do phong nhiệt, sởi mọc không đều, chứng ngực tức do can khí uất trệ, ngực sườn đầy đau, chứng nôn tả bụng đau trướng do trúng phải uế khí.

  1. Kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại.
  • Dầu Bạc hà xoa ngoài da, trước hết có cảm giác mát tiếp theo là hơi nóng, do kích thích có xung huyết tại chỗ. Dầu bạch hà bốc hơi nhanh gây cảm giác mát và tê tại chỗ làm giảm ngứa giảm đau.
  • Thuốc có tác dụng nhất định làm ra mồ hôi, hạ sốt, tiêu viêm, kiện vị lợi mật, ức chế sự co bóp của cơ trơn ruột và dạ dày, tăng tiết dịch đường hô hấp.

Ứng dụng lâm sàng:

  1. Dùng làm thuốc giải cảm trị ngoại cảm phong nhiệt thời kỳ đầu như cảm mạo, cảm cúm, viêm đường hô hấp trên, dùng cồn Bạc hà 10% mỗi lần 5-10 giọt, uống nhiều lần trong ngày, hoặc dùng cồn Bạc hà xoa mũi, xoa 2 vùng thái dương làm giảm đau đầu chống nghẹt mũi hoặc kết hợp với Kinh giới, Phòng phong, lá tre nấu nước xông ra mồ hôi. Trường hợp uống thuốc sắc dùng bài thuốc giải cảm gồm: Lá Bạc hà 6g, Kinh giới 6g, Phòng phong 5g, Bạch chỉ 4g, Hành hoa 6g, nước sôi 150ml hãm 20 phút uống lúc nóng.
  2. Trị sởi chậm mọc hoặc mọc không đều, giải độc trị ban chẩn dị ứng dùng bài: Bạc hà 4g, Ngưu bàng tử 12g, xác Ve 2g, Cam thảo 3g, sắc nước uống.
  3. Trị chứng rối loạn tiêu hóa (ăn không tiêu, đầy bụng, buồn nôn, đua bụng tiêu chảy…) dùng cồn Mộc hà thủy (Mộc hương, Cam thảo, Bạc hà, Quế, Can khương, Rượu 30 độ). Người lớn mỗi lần uống 25-30 giọt, pha với 10-20ml nước sôi để nguội, trẻ em từ 2-12 tuổi: 2 giọt cho mỗi tuổi.
  4. Phòng cảm cúm: Dùng cồn Bạc hà xoa mũi hoặc uống lúc có tiếp xúc với bệnh nhân cúm. Hoặc dùng bài thuốc gồm: Bạc hà, Kinh giới, Tía tô, nếu mùa hè cho thêm Hoắc hương, mỗi thứ 4-6g, sắc nước cho trẻ uống để chống cúm hoặc lúc có dịch cúm.

Liều dùng và chú ý: 3-8g.

Thuốc không được đun sôi lâu, nếu là thuốc sắc, vị Bạc hà phải cho vào sau. Không dùng trong trường hợp biểu hư ra mồ hôi nhiều.

CÔNG TY CỔ PHẦN DƯỢC PHACO

Trụ sở: QL40B- Thôn 1, Xã Tiên Thọ, Huyện Tiên Phước, Tỉnh Quảng Nam

Điện thoại: (0235) 3 555 666 – (0235) 3 555 777- (0235) 3 555 888

Email: duocphaco@gmail.com

Website liên kết:

https://namlimxanhtienphuoc.net/

https://duocphaco.com/

http://nlsqn.com/

http://samngoclinhtramy.com

Trà Sâm Ngọc Linh