Quảng Nam nỗ lực di thực cây sâm Ngọc Linh
Việc di thực cây sâm Ngọc Linh ở phạm vi hẹp thuộc địa bàn huyện Nam Trà My và phạm vi rộng ra 6 huyện miền núi Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang, Phước Sơn, Bắc Trà My và Núi Thành được tỉnh chú trọng, nhằm tạo vùng sâm nguyên liệu ổn định, phục vụ sản xuất bền vững, phát triển thương hiệu sâm quốc gia.
Những năm qua, công tác di thực cây sâm Ngọc Linh trong phạm vi hẹp, nghĩa là di thực cây sâm từ vùng sâm gốc thuộc 3 xã có cây sâm gốc phân bố ra 4 xã lân cận (Trà Don, Trà Tập, Trà Dơn và Trà Leng) trên địa bàn Nam Trà My đã mang lại những tín hiệu khả quan.
Trên cơ sở Quyết định số 395/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt “Quy hoạch bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh tại địa bàn huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2016 – 2020 và định hướng đến năm 2030”, từ năm 2016 đến nay, huyện Nam Trà My đã phát triển di thực cây sâm Ngọc Linh ra 4 xã trên với số lượng cây giống lên tới 9.000 cây, được sản xuất tại Trại Sâm giống Tăk Ngo.
Vùng trồng sâm di thực tại thôn Z’rượt, xã Ch’ơm, huyện Tây Giang hơn 10 năm trước sinh trưởng kém do nhiều nguyên nhân. Ảnh: H.L
Theo ông Trần Út – Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, mô hình di thực cây sâm Ngọc Linh đã được triển khai lâu nay. Cây sâm di thực trong phạm vi hẹp, tức di thực từ vùng sâm gốc ra 4 xã của huyện Nam Trà My qua đánh giá thực tế cây vẫn phát triển tốt, tỷ lệ cây sống đạt trên 70%, cho kết quả khả quan. Hiện, một số xã như Trà Tập, Trà Dơn, cây sâm di thực đã ra hoa và cho hạt.
Năm 2017, Trung tâm Phát triển Sâm Ngọc Linh và Dược liệu Quảng Nam đã thực hiện đánh giá mô hình di thực cây sâm Ngọc Linh xuống đai rừng thấp (1.300m) tại thôn 2, xã Trà Linh. Tuy nhiên, kết quả theo dõi, đánh giá cho thấy, cây sâm sinh trưởng phát triển rất kém, tỷ lệ cây tái sinh chồi rất thấp, tỷ lệ cây sống sót rất thấp và vùng sâm di thực đang tiếp tục được theo dõi.
Cũng theo ông Trần Út, về kế hoạch di thực mở rộng vùng trồng sâm Ngọc Linh ra các huyện miền núi của tỉnh, có 5 huyện miền núi và 1 huyện đồng bằng được tỉnh phê duyệt hỗ trợ cây giống sâm Ngọc Linh di thực trồng tại vùng có khí hậu, thổ nhưỡng tương đồng với đỉnh núi Ngọc Linh. Đó là các huyện Phước Sơn (núi Ngọc Lum Heo), Tây Giang (thôn Z’rượt, xã Ch’ơm), Đông Giang, Nam Giang, Bắc Trà My và huyện Núi Thành (đỉnh núi Chúa).
Hiện đã có 4/6 huyện tiếp nhận cây giống, tổ chức trồng sâm Ngọc Linh trên các đỉnh núi có điều kiện tương đồng để tiếp tục nghiên cứu, đánh giá khoa học và thực tiễn. Riêng 2 huyện Núi Thành và Đông Giang xin được chuyển sang năm 2022 để chờ bố trí vốn tổ chức thực hiện, chuẩn bị các điều kiện thiết yếu phục vụ cho việc di thực cây sâm. Được biết, mỗi huyện được hỗ trợ 1.000 cây giống sâm di thực và trồng tại vùng có độ cao so với mực nước biển từ 1.300-1.500m.
Hơn 10 năm trước đó, từ kết quả của đề tài nghiên cứu khoa học của Sở Y tế, cây sâm Ngọc Linh được di thực ra vùng Tây Giang, Phước Sơn với số lượng cây giống tại mỗi mô hình rất lớn, lên cả chục nghìn cây. Cây sâm di thực hiện còn tồn tại ở Tây Giang khá nhiều, hiện do Công ty Dược Sâm Ngọc Linh tiếp quản, trồng dặm. Riêng ở huyện Phước Sơn, do nhiều nguyên nhân, trong đó một phần do công tác bảo vệ, chăm sóc kém, thất thoát, tỷ lệ cây sống sót và còn rất ít.
Cách đây không lâu, đề tài “Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn phục vụ đăng ký mở rộng phạm vi bảo hộ chỉ dẫn địa lý Ngọc Linh cho sản phẩm sâm củ và phát triển vùng trồng sâm theo quy hoạch trên địa bàn tỉnh Quảng Nam”, do TS. Lương Đức Toàn – Viện Thổ nhưỡng nông hóa chủ trì (2017 – 2.2020).
TS. Lương Đức Toàn đã lấy mẫu sâm có độ tuổi 4 – 15 năm tại 2 vùng di thực ở Phước Sơn và Tây Giang để nghiên cứu, khảo sát, đánh giá khoa học, qua đó xem xét có nên mở rộng vùng chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” ra 2 vùng Phước Sơn và Tây Giang hay không. Từ thực tiễn nghiên cứu, TS. Toàn cho rằng, chưa đủ cơ sở để xác định nên mở rộng vùng chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” ra 2 địa phương này.
Về việc đánh giá chất lượng vùng sâm di thực Tây Giang, Phước Sơn có nhiều ý kiến trái chiều, song ông Trần Út cho rằng, vùng Ch’ơm (Tây Giang) hội đủ điều kiện khí hậu rất tốt, di thực cây sâm khá khả thi, bởi điều kiện khá tương đồng với Nam Trà My. Song mức độ phù hợp ở mức nào, phải đánh giá cụ thể, khoa học từ mô hình di thực trong thực tiễn.