5 lỗi sai khi sử dụng tủ lạnh

5 lỗi sai khi sử dụng tủ lạnh

Dùng tủ lạnh cũng là một nghệ thuật, ít nhất là bạn phải biết cách sắp xếp khoa học. Dưới đây là 5 sai lầm phổ biến cần tránh khi sử dụng tủ lạnh.

TỦ LẠNH

Sai lầm 1: Cất thịt và gia cầm sống ở ngăn trên cùng

Công thức đúng phải là đặt những thực phẩm yêu cầu nhiệt độ nấu thấp hơn lên giá trên cùng và những thực phẩm yêu cầu nhiệt độ nấu cao hơn, đặc biệt là thịt gia cầm, ở ngăn dưới cùng của tủ.

Theo StateFoodSafety, một công ty đào tạo về an toàn thực phẩm, nếu chẳng may thịt hay gia cầm sống bị rò rỉ nước ra, nó sẽ không làm nhiễm khuẩn các thực phẩm có thể không được đun đến nhiệt độ đủ nóng để tiêu diệt vi khuẩn. Ví dụ, nhiệt độ nấu ăn tối thiểu an toàn của thịt gia cầm là 74 độ C, theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), nhưng chỉ 62 độ đối với hải sản. Do đó, khi xếp đồ vào ngăn đông lạnh, nên để thịt hay gia cầm xuống tầng dưới cùng, tôm cá cua tầng phía trên.

Sai lầm 2: Để trứng ngay cửa tủ lạnh

Ngăn trữ đồ ở cánh tủ lạnh sẽ có nhiệt độ cao hơn so với ngăn trữ đồ trong tủ lạnh, vì vậy hãy tránh để những thực phẩm dễ hỏng ở đó. Theo khuyến nghị của USDA, nên giảm tần suất mở cánh tủ lạnh để ngăn nhiệt độ tăng lên. Trong trường hợp bạn để trứng ở khay cánh cửa tủ lạnh, cần lưu ý, ngay cả khi đóng cửa tủ thì ở bên trong tủ lạnh, ngăn trên cùng có xu hướng nhiệt độ cao hơn so với ngăn dưới cùng. Vì vậy nên để trứng ở ngăn dưới, nơi lạnh hơn.

Sai lầm 3: Sử dụng sai các ngăn kéo đựng rau

Rau củ và quả thường được cho vào các ngăn kéo riêng biệt với các mức độ ẩm khác nhau để bảo quản độ tươi ngon tối ưu nhất. Nghiên cứu cho thấy loại củ quả có vỏ mỏng nên được bảo quản ở ngăn tủ có mức độ ẩm cao hơn. Trong khi đó, một số loại trái cây và rau quả, đặc biệt là những loại tiết ra khí ethylene khi chín, nên được bảo quản ở nơi có độ ẩm thấp.

Các nhà sản xuất tủ lạnh đề xuất cách đặt rau củ quả vào các ngăn như sau:

Thực phẩm tốt nhất cho ngăn kéo có độ ẩm cao là măng tây, bông cải xanh, carot, rau cần tây, rau diếp, cà chua…

Thực phẩm tốt nhất cho ngăn có độ ẩm thấp là táo, bơ, nho, dưa, nấm, cam quýt, lê…

Sai lầm 4: Để thực phẩm nguội lạnh mới cho vào tủ lạnh

Sự thật là bạn không cần đợi thực phẩm nguội rồi mới cho vào tủ lạnh. Thức ăn ấm sẽ không gây hại cho tủ. Khi bạn để thực phẩm cho nguội ngoài không khí quá lâu, vi trùng có thể bắt đầu sinh sôi nhanh chóng ở nhiệt độ từ 40 độ đến 140 độ, phạm vi mà USDA gọi là “vùng nguy hiểm”.

Sai lầm 5: Lèn tủ lạnh chật ních

FDA cho biết, không khí lạnh cần phải luân chuyển quanh thực phẩm nhằm giữ cho chúng được làm lạnh thích hợp. Do đó, nên tránh xếp chồng chéo các hộp đựng thực phẩm hoặc sử dụng bất kỳ vật liệu nào ngăn không khí lưu thông tự do trong tủ. Ngoài ra bạn cần lưu ý giữ các lỗ thông hơi được thoáng, không bị tắc.

Chuyên gia cũng khuyên bạn cần tạo thói quen thường xuyên vứt bỏ những thực phẩm không còn an toàn sử dụng. Nếu bạn thấy thực phẩm có mùi hoặc vị có vấn đề, hãy loại bỏ chúng.

Khi có bất cứ thực phẩm nào bị đổ trong tủ lạnh, nên ngắt nguồn, làm sạch ngay lập tức bằng nước xà phòng ấm và sau đó lau sạch tủ. Tránh các chất tẩy rửa hóa học có thể dây mùi vào thực phẩm. Để khử mùi hôi tủ, bạn nên đặt một hộp baking soda đã mở sẵn trên kệ tủ lạnh.

THEO VNEXPRESS