Nguy cơ bùng phát thuỷ đậu dịp Tết

Nguy cơ bùng phát thuỷ đậu dịp Tết

Thời tiết đông xuân và sự gia tăng tiếp xúc dịp Tết là điều kiện thuận lợi khiến thủy đậu có nguy cơ bùng phát dịch, đặc biệt nguy hiểm khi đồng mắc cùng Covid-19.

Theo bác sĩ CKI Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống Tiêm chủng VNVC, bệnh thủy đậu thường bùng phát vào mùa đông hàng năm, kéo dài cho tới hết mùa xuân. Khí hậu lạnh ẩm vào thời gian này là điều kiện thuận lợi để virus gây bệnh phát triển và dễ lây lan thành dịch. Mặt khác, thời tiết lạnh cũng có thể làm giảm phản ứng miễn dịch của cơ thể, làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh.

“Bệnh thủy đậu rất dễ lây lan, nhất là vào dịp Tết mọi người thường tiếp xúc, gặp gỡ nhau nhiều hơn. Thủy đậu đe dọa nghiêm trọng trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Tuy nhiên, thanh thiếu niên, người lớn cũng có thể mắc thủy đậu nếu không phòng ngừa đầy đủ. Đặc biệt, phụ nữ mang thai và những người có hệ miễn dịch yếu nếu mắc thủy đậu có khả năng biến chứng và nặng hơn trẻ em. Nếu để đồng mắc thủy đậu và Covid-19, người bệnh chắc chắn sẽ tăng nguy cơ diễn biến nặng, nhập viện và tử vong”, BS Chính cho hay.

Lo sợ bệnh thuỷ đậu dịp Tết, nhiều người dân đến các trung tâm tiêm chủng VNVC để được tư vấn tiêm vaccine thuỷ đậu. Ảnh: VNVC

Lo sợ bệnh thuỷ đậu dịp Tết, nhiều người dân đến các trung tâm tiêm chủng VNVC để được tư vấn tiêm vaccine thuỷ đậu. Ảnh: VNVC

Virus Varicella Zoster gây thuỷ đậu lây truyền từ người sang người qua đường hô hấp, qua dịch tiết mũi họng, dịch từ nốt phỏng trên da. Khi bị nhiễm, người bệnh thường có biểu hiện: mệt mỏi, nhức đầu, sốt nhẹ, chảy nước mũi, đau họng và trên da xuất hiện các nốt ban đỏ bắt đầu ở vùng đầu, mắt rồi lan ra toàn thân. Nếu chăm sóc không đúng cách, ngoài việc nhiễm khuẩn từ các thương tổn da, thuỷ đậu có thể gây ra nhiều biến chứng về tim mạch, viêm tinh hoàn, viêm phổi và các biến chứng hệ thần kinh trung ương như viêm não, viêm màng não…, dẫn tới tử vong.

Trong đó, theo bác sĩ Chính, virus thuỷ đậu là nguyên nhân đứng hàng thứ hai gây viêm não với tỷ lệ tử vong là 9-20%. Nếu may mắn được cứu sống, người bệnh cũng phải đối diện với nhiều nguy cơ như bại não, nằm liệt giường…

Viêm phổi sau khi nhiễm thủy đậu phổ biến nhất ở người lớn và thường nghiêm trọng với những biểu hiện như ho nhiều, đau tức vùng ngực, khó thở, dẫn đến nhập viện với tỷ lệ tử vong lên đến 10-30%.

Phụ nữ mang thai bị thủy đậu gây nên hội chứng thủy đậu bẩm sinh cho thai nhi, gây dị tật ở sọ, dị tật gây bại não và đục thủy tinh thể, chậm phát triển trí tuệ, đầu nhỏ, não úng thủy, teo liệt tứ chi… 30% trẻ sơ sinh tử vong khi nhiễm thủy đậu lây truyền từ mẹ.

Vì những biến chứng nguy hiểm trên, các chuyên gia y tế cảnh báo người dân không nên coi thường bệnh thuỷ đậu chỉ là “bệnh ngoài da”.

VNVC có đầy đủ vaccine phòng bệnh thuỷ đậu cho trẻ em và người lớn. Ảnh: VNVC

VNVC có đầy đủ vaccine phòng bệnh thuỷ đậu cho trẻ em và người lớn. Ảnh: VNVC

“Những người chưa bao giờ bị thủy đậu hoặc chưa được tiêm phòng sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh. Thủy đậu không loại trừ một ai, không phân biệt độ tuổi, có thể tấn công bạn bất cứ lúc nào. Chính vì vậy, tiêm vaccine là cách tốt nhất để bảo vệ bản thân trước căn bệnh nguy hiểm này”, BS Chính khuyến cáo.

Khoảng 88-98% người đã tiêm vaccine phòng thủy đậu sẽ tránh được bệnh. Tỷ lệ khoảng 3% còn lại vẫn có thể mắc bệnh nếu hệ miễn dịch quá yếu nhưng hầu hết các trường hợp này mắc với triệu chứng rất nhẹ và nguy cơ xảy ra biến chứng cũng thấp hơn, BS Chính cho biết thêm.

Để giúp độc giả hiểu rõ hơn về bệnh thuỷ đậu và cách phòng bệnh này dịp Tết, báo VnExpress phối hợp với Hệ thống Tiêm chủng VNVC tổ chức toạ đàm “Nguy cơ bùng phát thuỷ đậu mùa Tết và vaccine phòng ngừa”. Chương trình có sự tham gia của 2 khách mời: BS Trương Hữu Khanh, Nguyên trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng I, TP HCM và BS Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống Tiêm chủng VNVC.

THEO VNEXPRESS