Tác dụng dược lý của Kinh giới

 

Kinh giới (Herba seu Flos Schizonepetae Tenuifloliae)

Kinh giới dùng làm thuốc được ghi đầu tiên trong danh sách Bản kinh. Bộ phận dùng làm thuốc là toàn cây và hoa trên mặt đất được rửa sạch phơi khô hay sấy khô, dùng sống, sao vàng hoặc có khi sao cháy, có khi bộ phận hoa dùng riêng gọi là Kinh giới tuệ. Vị thuốc còn có tên là Kinh giới tuệ, Giả tô, sao Kinh giới, Kinh giới than. Cây Kinh giới thuộc họ Hoa môi (Lamiaceae) mọc hoang và được trồng nhiều ở nước ta, theo Đỗ Tất Lợi thì khác với cây Kinh giới Trung Quốc mà ta vẫn nhập để dùng.

Tính vi qui kinh:

Cay, hơi ôn, qui kinh phế can.

Theo sách cổ: Sách Y học khởi nguyên: “khí ôn, vị cay đắng”. Sách Bản kinh: “ vị cay ôn”. Sách Bản thảo cương mục: “nhập túc quyết âm”. Sách Lôi công bào chế dược tính giải: “nhập phế, can”. Sách Bản thảo hội ngôn: “túc quyết âm, thiếu dương, dương minh kinh:.

Thành phần chủ yếu: d-menthone, menthone, d-Limonene.

Tác dụng dược lý

  1. Theo Y học cổ truyền:

Thuốc có tác dụng trừ phong giải cảm, làm giảm ngứa (chỉ dưỡng) kích thích sự phát ban chẫn nhanh hơn (thấu chẫn), trị chứng nhọt lở ngoài da. Đốt thành than, thuốc có tác dụng cầm máu. Chủ trị các chứng ngoại cảm phong hàn hoặc phong nhiệt, bệnh sởi trẻ em, chứng ban chẫn ngứa, các chứng nhọt lỡ ngoài da. Thuốc đốt thành than được dùng trong điều trị các chứng xuất huyết như nôn ra máu, chảy máu cam, tiêu tiểu có máu, chứng băng lậu ở phụ nữ.

Trích đoạn Y văn cổ: Sách Bản thảo cương mục: “tán phong nhiệt, thanh đầu mắt, lợi yết hầu, tiêu sang thũng, trị gáy cứng,… thổ huyết, mục huyết, hạ huyết lỵ, băng trung, trĩ lậu”. Sách bản thảo hội ngôn: “kinh giới là thuốc tán phong thanh huyết… Phàm các chứng phong độc đã xuất muốn tán mà không tán, dùng Kinh giới để thanh…”.

  1. Kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại
  • Nước sắc và cồn kinh giới có tác dụng hạ nhiệt nhẹ, có tác dụng an thần, làm giản cơ trơn khí quản của chuột thực nghiệm, có tác dụng chống dị ứng.
  • Nước sắc của thuốc trong ống nghiệm có tác dụng kháng khuẩn mạnh đối với tụ cầu vàng và trực khuẩn bạch hầu. Đối với liên cầu khuẩn B, trực khuẩn thương hàn, kiết lỵ, trực khuẩn mủ xanh, trực khuẩn lao, thuốc có tác dụng ức chế nhất định.
  • Kinh giới than có tác dụng cầm máu. Thuốc sống không có tác dụng cầm máu.
  • Tinh dầu Kinh giới có tác dụng làm giãn phế quản và hạ cơn hen. Dùng thuốc trị 500 ca viêm phế quản mạn tính, thuốc có tác dụng bình suyễn tốt. Thuốc còn có tác dụng an thần, chống dị ứng và hạ nhiệt.

Ứng dụng lâm sàng:

  • Tán hàn giải cảm: Trị chứng cảm mạo phong hàn đầu mình đau, sợ lạnh không ra mồ hôi dùng: Kinh giới, phòng phong, Tô diệp mỗi thứ 12g, sắc uống. Trường hợp cảm mạo, cảm cúm, đau đầu, sốt, nhứt mình dùng bài Kinh phòng bại độc tán (Nhiếp sinh chúng diệu phương) gồm Kinh giới, Phòng phong, Khương, Độc hoạt, Sài hồ, Tiền hồ, Chỉ xác, Phục linh, Cát cánh mỗi thứ 8g, Xuyên khung, Cam thảo mỗi thứ 4g sắc nước uống.
  • Trị viêm họng, viêm amidan cấp: Sách xưa có câu: “Yết thống tận dụng Kinh giới” ngày nay bài thuốc chữa bệnh viêm họng, viêm amidan thường phối hợp Kinh giới với Cát cánh, Cam thảo tăng thêm tác dụng tiêu viêm.
  • Trị chứng chảy máu: Dùng than Kinh giới kết hợp với than Hoa hòe trị tiêu có máu, kết hợp than lá Trắc bá, Bạch mao căn, trị chảy máu mũi.
  • Trị các chứng ban chẩn phong ngứa có tác dụng tiêu độc, chống dị ứng, giảm ngứa, thường kết hợp với Phòng phong. Bạc hà, uống trong hoặc ngâm rửa ngoài da. Trị sởi, mề đay có thể dùng bài sau đây có kết quả tốt: Kinh giới 8g, Kim ngân hoa, Liên kiều mỗi thứ 16g, Cát căn 12g, Bạc hà 4g, Cam thảo 3g, Xác ve 2g, sắc nước uống.

Liều thường dùng và chú ý: 6-12g, dùng tươi lượng gấp 3-4 lần.

Kinh giới tuệ tác dụng mạnh hơn. Không dùng đối với nhọt lở đã chảy mủ, trẻ em sởi thời kỳ toàn phát và hồi phục.

CÔNG TY CỔ PHẦN DƯỢC PHACO

Trụ sở: QL40B- Thôn 1, Xã Tiên Thọ, Huyện Tiên Phước, Tỉnh Quảng Nam

Điện thoại: (0235) 3 555 666 – (0235) 3 555 777- (0235) 3 555 888

Email: duocphaco@gmail.com

Website liên kết:

https://namlimxanhtienphuoc.net/

https://duocphaco.com/

http://nlsqn.com/

http://samngoclinhtramy.com

Trà Sâm Ngọc Linh