Ứng dụng lâm sàng của Sinh khương

Sinh khương (Rhizoma zingiberis Offcenalis Recens)

Sinh khương là thân rễ tươi của cây Gừng thuộc họ Gừng (Zingiberaceae). Dùng làm thuốc được ghi đầu tiên trong sách Danh y biệt lục. Cây Gừng được trồng khắp nơi ở nước ta để làm thuốc và làm gia vị thức ăn. Tùy theo dạng bào chế mà có tên khác nhau như sinh khương, bào khương, can khương, thán khương, ổi khương,…

Tác dụng dược lý

  1. Theo Y học cổ truyền

Phát hãn giải biêu, ôn trung chỉ ẩu, ôn phế chỉ khái, giải độc. Chủ trị các chứng ngoại cảm phong hàn biểu chứng, vị hàn ẩu thổ, phong hàn khái thấu đàm nhiều, giải độc cua cá, độc bán hạ và nam tinh.

  1. Kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại
  • Gừng tố có tác dụng tang tiết dịch vị và tăng nhu động ruột, trợ giúp tiêu hóa tốt. Trong gừng tố có thành phần có tác dụng cầm nôn.
  • Thuốc có tác dụng kháng viêm tiêu sưng và giảm đau.
  • Thuốc có tác dụng hưng phấn trung khu vận mạch, trung khu hô hấp và tim, tăng huyết áp, tăng tuần hoàn ngoại vi, trợ giúp ra mồ hôi.
  • Thuốc có tác dụng ức chế trực khuẩn thương hàn, phẩy khuẩn tả, trùng roi.

Ứng dụng lâm sàng:

  • Giải cảm phong hàn: Thường dùng kết hợp với Quế chi, Tô diệp, Phòng phong để tăng tác dụng làm ra mồi hôi. Sau khi mắc mưa lạnh để phòng cảm lạnh chỉ cần sắc gừng với đường đen uống nóng.

Bài thuốc trị cảm hàn đau đầu, nghẹt mũi:

Sinh khương 12g, Tô diệp 8g, Phòng phong 12g, sắc uống.

  • Chữa nôn, buồn nôn do tỳ vị hàn (có thể do cảm hoặc rối loạn tiêu hóa). Người xưa cho gừng là vị thuốc chủ yếu chữa nôn. Thường dùng nước gừng đặc 3-10 giọt, cầm nôn hoặc kết hợp với Bán hạ như bài tiểu bán hạ thang gồm Sinh khương, bán hạ, mỗi thứ 8-10g sắc uống. Trường hợp nôn do tỳ vị hư hàn có thể dùng kết hợp trong các bài thuốc ôn tỳ như Tứ quân tử thang, Lý trung thang.
  • Dùng Gừng để tăng khẩu vị trợ tiêu hóa, gia thêm trong các bài thuốc bổ làm giảm bớt tính nê trệ của thuốc bổ, dùng Gừng phối hợp với Đại táo, Cam thảo kiện vị hòa trung như bài Tiểu kiến trung thang gồm: Bạch thượng 12g, Quế chi 6g, Chích thảo 4g, Đại táo 4 quả, Sinh khương 1-2g, đường phèn 20-40g. Sắc thuốc xong cho đường phèn vào uống.
  • Dùng Gừng chữa ho do ngoại cảm phế hàn hoặc ho lâu ngày như viêm đường hô hấp trên, viêm phế quản cấp, mạn tính dùng gừng độc vị sắc với nước đường hoặc mật ong, hoặc dùng phối hợp với các vị thuốc tán hàn chỉ khái khác.
  • Dùng Gừng giải độc Nam tinh và Bán hạ. Thường dùng Gừng để chế giải Nam tinh, bán hạ. Trường hợp nhiễm độc Nam tinh, bán hạ có cảm giác nóng bỏng sưng đau ở họng lưỡi, uống nước gừng cho thêm 30-60g giấm uống hoặc ngậm súc.

Liều dùng và chú ý: 4-12g hoặc 2-5 lát, dùng độc vị lượng tăng tùy tình hình bệnh lý.

Gừng dùng tươi có tác dụng tán hàn giải cảm, dùng chín có tác dụng hòa tỳ vị nên lúc dùng Gừng trong thuốc thang bổ để hòa tỳ vị (tăng tiêu hóa) tốt nhất là dùng Gừng nướng chín. Dùng Gừng lùi trị đau bụng do hàn. Vỏ Gừng cay mát có tác dụng lợi thủy, thường được dùng trong các bài thuốc tiêu phù. Gừng là vị thuốc có tác dụng ôn tán nên thường được phối hợp với Cam thảo và Đại táo. Dùng nhiều trong các bài thuốc có nhiều vị thuốc đắng lạnh và nên trệ để điều hòa tính chất các vị thuốc đó. Gừng đốt cháy có tác dụng cầm máu. Dùng Gừng thận trọng đối với chứng âm hư nội nhiệt.

CÔNG TY CỔ PHẦN DƯỢC PHACO

Trụ sở: QL40B- Thôn 1, Xã Tiên Thọ, Huyện Tiên Phước, Tỉnh Quảng Nam

Điện thoại: (0235) 3 555 666 – (0235) 3 555 777- (0235) 3 555 888

Email: duocphaco@gmail.com

Website liên kết:

https://namlimxanhtienphuoc.net/

https://duocphaco.com/

http://nlsqn.com/

http://samngoclinhtramy.com

Kakun Đông Giang